Cách thức tiến hành khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại tại Tòa án Việt Nam

litigation in Vietnam

Theo pháp luật Việt Nam, khi có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

Tuy nhiên, để việc khởi kiện một vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại được thuận lợi và nhanh chóng, Người khởi kiện cần nắm rõ quy trình tố tụng tại Tòa án, chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu, chứng cứ cần thiết để Tòa án có thẩm quyền có thể ban hành Bản án hoặc Quyết định có hiệu lực pháp luật theo hướng có lợi nhất cho mình. Quá trình này cần được chuẩn bị kỹ lưỡng cả trong giai đoạn tiền tố tụng và giai đoạn tố tụng, thông thường Người khởi kiện cần chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu, thủ tục sau:

I. GIAI ĐOẠN TIỀN TỐ TỤNG

Đây là giai đoạn Người khởi kiện cần xác định rõ yêu cầu khởi kiện của mình, Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp, các thủ tục, hồ sơ, tài liệu cần chuẩn bị trước khi nộp hồ sơ khởi kiện và phương thức nộp hồ sơ khởi kiện.

1. Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với vụ án kinh doanh thương mại

Người khởi kiện cần căn cứ quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định tranh chấp có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không.

Trong trường hợp các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, và thỏa thuận này là hợp pháp thì Tòa án sẽ từ chối thụ lý giải quyết đối với tranh chấp. Hoặc trường hợp vụ việc đã được giải quyết bằng Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì các bên không được quyền khởi kiện lại vụ án (trừ một số trường hợp tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự).

2. Xác định thời hiệu khởi kiện

Căn cứ quan hệ pháp luật, loại vụ việc tranh chấp, Người khởi kiện đối chiếu quy định pháp luật tương ứng để xác định vụ việc còn thời hiệu khởi kiện hay không. Thời hiệu khởi kiện thường được bắt đầu tính kể từ thời điểm cá nhân, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác).

Ví dụ: Thời hiệu khởi kiện tranh chấp về Hợp đồng kinh doanh thương mại thông thường là 02 năm; thời hiệu khởi kiện về Hợp đồng kinh doanh bảo hiểm là 03 năm; thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa của Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là 01 năm.

3. Xác định tư cách các đương sự

Để Tòa án có căn cứ giải quyết, Người khởi kiện cần xác định rõ tư cách các đương sự khác trong vụ việc như Người bị kiện (chủ thể xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Người khởi kiện), Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đối với vụ án kinh doanh, thương mại Người khởi kiện cần lưu ý: Trường hợp Hợp đồng/giao dịch do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện khi có tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết thì cần xác định chủ thể tham gia tố tụng là pháp nhân (Công ty), thay vì xác định chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch của pháp nhân là chủ thể tham gia tố tụng.

4. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Bên cạnh việc xác định vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tại mục (1), Người khởi kiện cần xác định chính xác Tòa án nào tại Việt Nam có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với tranh chấp kinh doanh, thương mại đó, cụ thể:

a) Thẩm quyền theo cấp xét xử: Người khởi kiện cần căn cứ quy định tại Điều 35, Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự và áp dụng với vụ việc tranh chấp để xác định vụ việc tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh hay Tòa án cấp huyện.

Read more:  Thu hồi nợ từ hành vi lừa đảo mua bán găng tay y tế tại Việt Nam

b) Thẩm quyền theo lãnh thổ: Tùy quan hệ pháp luật tranh chấp hoặc thỏa thuận giữa các bên tranh chấp, Người khởi kiện sẽ xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ tại Điều 39, Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự.

The Peoples Court of Ho Chi Minh City
Ảnh: Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

5. Củng cố tài liệu, chứng cứ liên quan đến tranh chấp

Việc thu thập, đánh giá các tài liệu, chứng cứ liên quan đến tranh chấp là một khâu rất quan trọng trong quá trình tiền tố tụng cũng như trong suốt quá trình giải quyết vụ việc. Các tài liệu, chứng cứ mà các bên nộp là căn cứ quan trọng để Tòa án xem xét chấp nhận một phần/toàn bộ hoặc bác yêu cầu khởi kiện của Người khởi kiện.

6. Nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án

a) Các hồ sơ, tài liệu cần thiết khi nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án:

  • Đơn khởi kiện;
  • Tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của Người khởi kiện, Người bị kiện, Người có quyền, nghĩa vụ liên quan (bản sao y).

(Đối với tài liệu, chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thì phải được phải được dịch sang tiếng Việt có công chứng, chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự)

b) Phương thức gửi hồ sơ khởi kiện:

Người khởi kiện có thể gửi hồ sơ khởi kiện theo một trong các phương thức sau đây:

  • Nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án có thẩm quyền;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

II. GIAI ĐOẠN TỐ TỤNG

Đây là giai đoạn mang tính quyết định trong quá trình khởi kiện của Nguyên đơn. Do đó, trong giai đoạn này, Nguyên đơn cần thực hiện các thủ tục, biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình, cụ thể:

  • Nộp tạm ứng án phí tại Cơ quan Thi hành án dân sự;
  • Nộp Bản tự khai;
  • Xem xét, đánh giá yêu cầu phản tố của Bị đơn, yêu cầu độc lập của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có);
  • Yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc hoặc việc thi hành án (Lưu ý: Nguyên đơn có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại thời điểm nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án);
  • Cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ khi có yêu cầu của Tòa án hoặc yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ (nếu có);
  • Nộp các chi phí tố tụng khác (nếu có);
  • Yêu cầu, tham gia phiên đối chất (nếu có);
  • Yêu cầu, tham gia các buổi thẩm định tại chỗ, định giá tài sản (nếu có);
  • Tham gia hòa giải; tham gia phiên họp công khai chứng cứ;
  • Tham gia phiên tòa.

Trên đây là một số thủ tục, biện pháp pháp lý cơ bản trong quá trình giải quyết một tranh chấp kinh doanh, thương mại thông thường tại tòa án Việt Nam. Ngoài ra, tùy tính chất phức tạp của vụ việc Nguyên đơn cần thực hiện các biện pháp pháp lý khác để phù hợp với quá trình giải quyết vụ việc nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tác giả: LS. Lê Quốc Việt

——

Với đội ngũ nhân sự có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tranh tụng và giải quyết tranh chấp, ALB & Partners đã và đang đồng hành với khách hàng trong nhiều vụ tranh chấp tố tụng phức tạp với giá trị tranh chấp lớn.

Để tìm hiểu thêm về dịch vụ pháp lý của ALB & Partners, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email [email protected].

    Get fast legal advice from our Business Lawyers