Kể từ khi đại dịch Covid bùng phát vào đầu năm 2020, nhu cầu cấp thiết trên toàn cầu về trang thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe đã kéo theo cơn sốt về găng tay y tế tại Việt Nam. Nhiều khách hàng, nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến Việt Nam và nhận hàng trăm lời chào hàng từ các nhà môi giới/ thương nhân/ nhà sản xuất (sau đây gọi chung là “Bên Bán”) tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp Bên Bán đã nhận tiền từ Bên Mua nhưng không thực hiện giao hàng, giao hàng không đúng số lượng, chất lượng và không trả lại tiền đặt cọc theo Hợp đồng mua bán găng tay (Sale and Purchase Agreement) (“SPA”) hoặc có hành vi lừa đảo mua bán găng tay y tế. Thực trạng trên đã tác động tiêu cực đến uy tín, môi trường kinh doanh, làm xấu đi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh các nhà máy sản xuất găng tay tại Việt Nam hoạt động hết công suất nhưng vẫn không kịp tiến độ trả hàng, việc Bên Bán đưa ra các offer lên đến hàng triệu thùng găng tay của các thương hiệu như Vglove, Superieur … mà Bên Mua không có kênh đối soát, xác minh lại thông tin sẽ tiềm ẩn rủi ro lất lớn cho Bên Mua khi xác lập SPA.
Có rất nhiều vụ lừa đảo/ tranh chấp hợp đồng mua bán găng tay xảy ra tại Việt Nam được tố cáo với báo chí/ công an, với quy mô từ hàng trăm nghìn cho đến hàng chục triệu Mỹ kim. Bên Bán, bằng nhiều cách thức như giả mạo là nhà sản xuất/ thành viên trong hệ sinh thái của nhà sản xuất găng tay; giả mạo các giấy tờ, tài liệu công bố sản phẩm; cung cấp sai sự thật về kho hàng hóa và chứng từ hàng hóa đã mua bán … đã khiến cho Bên Mua lầm tưởng và xác lập SPA.
Từ quan sát của chúng tôi, các SPA mà một Bên Bán chưa đủ tin cậy đưa ra có thể xuất hiện một vài yếu tố sau: (i) Bên Bán là pháp nhân chỉ mới thành lập hoặc có quy mô nhỏ; (ii) nội dung SPA ngắn, điều khoản đơn giản với tiến độ giao hàng rất ngắn; (iii) Bên Bán cam kết cung cấp đa dạng các giấy chứng nhận của lô hàng cũng như sẵn sàng chấp nhận chịu phạt vi phạm/ bồi thường thiệt hại với giá trị lớn theo SPA, kể cả là theo từng ngày… Bên cạnh đó, đa phần các SPA chọn Tòa án Việt Nam là cơ quan giải quyết tranh chấp mà không chọn Trọng tài, điều này vô hình chung dẫn đến việc tốn kém chi phí để thu hồi công nợ do thủ tục tố tụng tại Tòa án Việt Nam tương đối phức tạp và có thể kéo dài nhiều năm.
Ngay sau khi Hợp đồng được ký kết và Bên Bán nhận được khoản tiền đặt cọc/ tiền thanh toán từ Bên Mua, họ sẽ bắt đầu vin vào nhiều lý do để chậm trễ giao hàng/ trả lại tiền đặt cọc; hoặc đề xuất giao loại găng tay khác tương đương; hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất liên lạc với Bên Mua…. Bên Mua sẽ gặp rất nhiều khó khăn để liên hệ và thu hồi công nợ từ Bên Bán khi những trường hợp trên xảy ra.
Để thu hồi công nợ hiệu quả từ các hành vi lừa đảo/ tranh chấp hợp đồng mua bán găng tay, việc kết hợp đồng bộ các biện pháp thu hồi công nợ tại cơ quan công an, tòa án, báo chí, ngân hàng, … sẽ có thể mang lại hiệu quả cao hơn cho Bên Mua. Các thủ tục pháp lý nên được xúc tiến sớm nhất có thể để hạn chế việc Bên Bán tẩu tán tài sản, hoặc giải thể/ thanh lý công ty…
Tại ALB & Partners, chúng tôi có kinh nghiệm hỗ trợ khách hàng thực hiện việc thu hồi công nợ từ hành vi lừa đảo/ tranh chấp hợp đồng mua bán găng tay y tế tại Việt Nam.
Để tìm hiểu thêm về dịch vụ pháp lý của ALB & Partners, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email [email protected] hoặc qua số điện thoại: +84 907 008 722 (Mr. Steven – Trưởng phòng Đầu tư – Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam).