Một số lưu ý quan trọng đối với Nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập công ty tại Việt Nam

Some points for foreign investors when establishing a company in Vietnam

Khi đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài nên liên hệ đến các luật sư trong có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn hành nghề để có thể tư vấn về các quy định và thủ tục pháp lý cần thiết khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, nhà đầu tư cần lưu ý một số điểm quan trọng như sau:

Thứ nhất, đối với ngành nghề đầu tư

Căn cứ vào phạm vi cam kết mở cửa thị trường tại Việt Nam, cũng như nhu cầu thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải lựa chọn lĩnh vực đầu tư/ngành nghề kinh doanh. Nhà đầu tư nên đầu tư vào các lĩnh vực hoặc ngành nghề kinh doanh đã được Việt Nam cam kết rõ ràng trong các điều ước quốc tế song phương/đa phương để tránh rủi ro bị từ chối khi đăng ký ngành nghề hay lĩnh vực mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường. Mỗi ngành nghề kinh doanh có điều kiện đều có thể gắn liền với yêu cầu về vốn đầu tư/ giấy phép con/ chứng chỉ hàng nghề …. tương ứng. Do đó, việc không đăng ký ngành, nghề kinh doanh không thực sự cần thiết sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm tối đa thời gian, tiền bạc để hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ hai, đối với nhà đầu tư

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có thể là cá nhân hoặc công ty nước ngoài. Hầu hết các ngành nghề đầu tư thông thường mà Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đều cho phép thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc được sở hữu bởi một nhà đầu tư hoặc tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đặc biệt mà yêu cầu cụ thể về tư cách của nhà đầu tư phải là tổ chức. Những điều kiện này có thể được xác định thông qua tổng hợp các điều kiện đầu tư cho tất cả các lĩnh vực và ngành nghề đăng ký trên cơ sở cam kết của Việt Nam với WTO và pháp luật Việt Nam, nếu có.

Thứ ba, liên quan đến vốn đầu tư

Hiện tại, cam kết mở cửa thị trường và pháp luật Việt Nam chỉ quy định điều kiện về vốn đầu tư tối thiểu khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực như giáo dục, lao động, du lịch, trung gian thanh toán,… còn đối với các ngành nghề kinh doanh thông thường khác thì không có quy định về mức vốn tối thiểu này. Do đó, nhà đầu tư chỉ cần đảm bảo mức vốn đầu tư phải tương xứng với quy mô và phạm vi dự án của mình. Để xác định mức vốn đầu tư và vốn điều lệ phù hợp, nhà đầu tư cần xác định đầy đủ các điều kiện áp dụng cho lĩnh vực, ngành nghề đầu tư của mình (nếu có) và lập kế hoạch tài chính cụ thể để đảm bảo tính khả thi của dự án.

Read more:  Cấp giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ

Thứ tư, liên quan đến việc góp vốn điều lệ sau khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Cần lưu ý rằng việc góp vốn điều lệ phải được hoàn thành theo đúng thời hạn đã đăng ký được thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Điều lệ Công ty và pháp luật Việt Nam. Theo đó, cần lưu ý thời hạn góp vốn điều lệ là không vượt quá 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nhà đầu tư phải góp vốn bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư do công ty có vốn đầu tư nước ngoài mở tại Việt Nam theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thứ năm, liên quan đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư

Khi thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam, nhà đầu tư nên lựa chọn địa điểm đầu tư có địa chỉ rõ ràng và có đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền cho thuê hoặc cho thuê lại. Đặc biệt, văn phòng phải được phép cho thuê với thiết kế và cấu trúc xây dựng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ sáu, liên quan đến người lao động

Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể thuê người lao động là người nước ngoài hoặc người Việt Nam làm việc tại công ty. Tuy nhiên, nếu công ty thuê người lao động nước ngoài, thì phải đáp ứng các điều kiện về xuất nhập cảnh cung như lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ bảy, liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế

Hàng năm, mỗi công ty tại Việt Nam phải nộp lệ phí môn bài tùy theo vốn điều lệ đã đăng ký. Ngoài ra, mỗi công ty còn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế giá trị gia tăng. Tùy theo ngành nghề kinh doanh, các công ty tại Việt Nam còn có thể phải nộp một số loại thuế như thuế xuất-nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt … Việt Nam cũng đã ban hành các ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào các ngành nghề ưu đãi đầu tư hoặc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

ALB & Partners Law Firm là công ty luật uy tín cung ứng dịch vụ pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư và kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Để có thông tin chi tiết về các dịch vụ pháp lý, Quý Khách Hàng vui lòng liên hệ trực tiếp đến chúng tôi.

    Get fast legal advice from our Business Lawyers